>
Trang chủ Tin công nghệ Phân tích mức độ thành công của ý tưởng kinh doanh
Thứ tư, 17/06,2015, 10:42
Phân tích mức độ thành công của ý tưởng kinh doanh
Một lúc nào đó trong cuộc sống, rất có thể bạn sẽ nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh thú vị, thậm chí bạn nghĩ ra điều đó một cách vô thức. Một số người đưa ra những giải pháp khả thi để xử lý một vấn đề cụ thể trong cuộc sống, nhưng đôi khi họ lờ đi và chẳng bao giờ đề cập đến điều đó một cách nghiêm túc về sau. Trong lúc đó một số người xác định được rõ ý tưởng, phát triển thành kế hoạch kinh doanh và kiên định với phương án của mình, làm việc hết công suất, tuy nhiên không phải kế hoạch nào cũng có thể cất cánh.

Những ý tưởng kinh doanh xảy đến với bạn với rất nhiều cách thức và quy mô khác nhau. Những ý tưởng tồi thì thường được nhìn ra một cách dễ dàng, tuy nhiên không phải ý tưởng “hay ho” nào cũng đồng nghĩa với việc phát triển tốt. Một ý tưởng “hay ho”, trên lý thuyết là một giải pháp hữu hiệu cho một vấn đề của cuộc sống, nhưng không phải toàn bộ những ý tưởng “hay ho” này có thể trở thàn hthứ kiếm tiền.
Ví dụ thế này, bạn có một ý tưởng, tất nhiên là tuyệt vời, tuy nhiên lại tốn nhiều chi phí, vì thế cản trở bạn trong việc tạo ra lợi nhuận. Nếu bạn có một ý tưởng tốt, nhưng lại chưa chắc chắn liệu ý tưởng này có bền vững để làm tiền đề cho một doanh nghiệp thực thụ, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây:
1. Bạn có đang giải quyết một vấn đề phổ thông hay không?
Câu hỏi đầu tiên này rất đơn giản. Nghĩ về ý tưởng của bạn. Liệu nó có thực sự giải quyết vấn đề mà một người bình thường sẽ gặp phải trong cuộc sống không? Hay chỉ là một nhóm người, hay chỉ mình bản thân bạn gặp phải?
Chìa khóa ở đây là sản phẩm của bạn phải có giá trị cốt lõi là giải quyết vấn đề chứ không phải mang vào một đống tính năng mà chả ai cần đến. Tiếp theo là phải xem xem vấn đề bạn đang giải quyết có phải là vấn đề phổ biến không.
Ví dụ, nếu bạn phát minh ra một cái máy, cho phép người dùng vừa chơi đàn, vừa sửa xe cùng lúc, thì chắc chắn là cái máy đó chẳng bán được cho ai. Vì “vừa chơi đàn, vừa sửa xe” có thể là vấn đề của chỉ mình bạn.
Bạn nên thực hiện một số cuộc nghiên cứu thị trường để xác nhận ý tưởng của mình, bạn có thể hỏi bạn bè trên facebook, họ hàng của bạn, xem liệu họ có thấy ý tưởng này hợp lý hay không. Hoặc nếu có tiền thì bạn có thể thực hiện những cuộc nghiên cứu ở quy mô lớn, còn nếu không, những điều bạn có thể làm là dựa trên những thử nghiệm thực tế với bản thân để xem ý tưởng này có “chắc cú” không.
2. Người ta có trả tiền cho giải pháp của bạn không?
Tương tự với nguyên tắc ở trên, bạn có thể thực hiện vài cuộc nghiên cứu thị trường để có câu trả lời chi tiết, đồng thời nghĩ về nó một cách thực tế: người ta sẽ đồng ý trả bao nhiêu để mua sản phẩm của bạn?
Hãy tưởng tượng ý tưởng đó không phải của bạn, có một ai đó mang đến và nói bạn hãy mua về dùng đi, vậy bạn nghĩ có mua nó không? Giá bao nhiêu thì bạn sẽ mua? Hai câu hỏi này sẽ cho bạn biết ngay ý tưởng đó có kiếm tiền được không?
3. Ý tưởng của bạn có phát triển ở quy mô rộng không?
Kiếm tiền chỉ là bước đầu tiên của quy trình, tin hay không thì tùy bạn. Để phát triển một kế hoạch kinh doanh, ý tưởng của bạn cần có đất dụng võ, cần nhiều người muốn sử dụng sản phẩm của bạn – thuật ngữ cho điều này gọi là “khả năng mở rộng”
Ý tưởng của bạn có lan rộng ra được thị trường khác không? Doanh nghiệp, trường học, cơ quan nhà nước? Bạn có tạo ra được những sản phẩm mới cải tiến hơn không? Tiêu thụ ít nguyên liệu hơn, kích thước nhỏ hơn, giá rẻ hơn? Bạn có thể phát triển doanh nghiệp đến một vùng khác để kiếm tiền không? Sài gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Đak Lak?
Nếu ý tưởng của bạn không có khả năng mở rộng, và chỉ có thể sống dựa trên những thứ hiện có (nghĩa là nếu thay đổi thì sẽ không ai mua), vậy thì đây không phải là một ý tưởng kinh doanh đáng đeo đuổi.
4. Có ai đang cùng chạy đua với bạn hay không?
Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng, chỉ cần tìm Google bạn sẽ biết ngay câu trả lời. Tìm kiếm xem có công ty nào đã sử dụng ý tưởng của bạn chưa. Nếu ý tưởng bạn nghĩ ra là hoàn hảo, khả năng cao đã có một ai khác cũng nghĩ đến rồi, và đã kiếm tiền từ nó. Nếu bạn thấy có ít nhất một đối thủ cạnh tranh với những ý tưởng same same hoặc tốt hơn của bạn thì có thể ý tưởng của bạn không bền vững.
5. Có ai khác làm được không?
Hình dung thử nếu có ai đó đã nghĩ về việc này, trong khi bạn đang giới thiệu về sản phẩm đó với thị trường, bạn đang tìm kiếm nhà cung cấp mới, cố gắng tạo ra một bản thử nghiệm, sản phẩm khả dụng đầu tiên thì rất có thể có ai đó cũng đang âm thầm theo dõi bạn và tạo ra một thứ y hệt hoặc thậm chí tốt hơn. Liệu những ý tưởng và cách làm của bạn có khác biệt hay ở một “level” mà người khác sẽ không thể làm tốt hơn được?
Nếu ý tưởng hay cách làm của bạn không khác biệt, chắc chắn nó sẽ dễ dàng bị ăn cắp, khả năng cao sẽ bị các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh chiếm mất, bất chấp luật pháp.
6. Ý tưởng đó có tồn tại được hơn một năm không?
Có vẻ đây là một câu hỏi quá hiển nhiên khi nói về tính bền vững, nhưng hãy thử nghiêm khắc hỏi bản thân bạn về ý tưởng đó xem. Nếu ý tưởng đó dựa trên một xu hướng hay một trò đùa nào đó, thì bạn nên nhớ rằng xu hướng không bao giờ tồn tại lâu dài. Những ý tưởng kinh doanh dựa trên một xu hướng hay sở thích nhất thời của cộng đồng thường không thành công, bạn cần một thứ gì đó có thể giải quyết vấn đề lâu dài với một giải pháp cũng phải lâu dài.
Nếu trả lời được những câu hỏi trên đây một cách tự tin và có những cuộc nghiên cứu đáng tin cậy, bạn có thể sẽ biến ý tưởng của mình trở thành một doanh nghiệp thành công. Tuy nhiên nhớ rằng hình thành ý tưởng tốt, chỉ mới là giai đoạn một của quy trình. Từ đây, bạn phải có thêm những cuộc khảo sát chi tiết hơn, viết một kế hoạch kinh doanh cụ thể và bắt đầu chia sẻ ý tưởng này với các nhà đầu tư, đây là một quy trình dài hơi, nhưng nếu tự tin với ý tưởng của mình thì đó đã là một khởi đầu tốt cho bạn.
Theo Entrepreneur
Thích và chia sẻ bài viết trên Facebook để ủng hộ đội ngũ viết bài của Mắt Bão nhé!
Bài viết liên quan
Đừng bỏ lỡ tin tức mới sẽ giúp ích cho việc kinh doanh của bạn
Đăng ký nhận tin, nhận ngay bài hay và những ưu đãi bất ngờ từ Mắt Bão.

Đọc nhiều nhất